Tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị

Hóa trị và xạ trị là hai phương pháp thông dụng để chữa trị ung thư ở nhiều bệnh nhân. Bên cạnh tác dụng tích cực trong việc tiêu diệt tế bào ung thư, cả hai phương pháp này cũng đi kèm với một số hiệu ứng phụ đối với bệnh nhân. Như vậy, tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị là gì?

Trước khi tiến hành hóa trị hoặc xạ trị, không ít bệnh nhân ung thư quan tâm và đặt câu hỏi về những tác dụng phụ có thể xảy ra. Nhằm cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề này, bài viết dưới đây của Nhà thuốc Thái Minh sẽ trình bày về các tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị.

Hoá trị là gì?

Hóa trị là một phương pháp chữa trị ung thư bằng cách sử dụng các loại thuốc đặc biệt nhằm đánh tiêu diệt các tế bào ung thư. Những loại thuốc này thường là hóa chất hoặc các chất gây độc cho tế bào ung thư, nhằm ngăn chặn quá trình tăng trưởng và nhân lên nhanh chóng của các tế bào này và từ đó đẩy chúng vào tình trạng tiêu diệt. Các loại thuốc hóa trị để điều trị ung thư thường được phân loại thành từng nhóm riêng biệt và được sử dụng tùy theo từng trường hợp bệnh nhân và từng giai đoạn cụ thể của bệnh.

Có thể áp dụng các loại thuốc hóa trị thông qua đường uống hoặc tiêm truyền qua tĩnh mạch. Người bệnh có thể thực hiện việc nhận thuốc tại bệnh viện hoặc tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Phương pháp hóa trị được sử dụng để tiêu diệt hoặc kiềm chế sự phát triển của các tế bào ung thư và có thể được áp dụng trong bất kỳ giai đoạn nào của bệnh, tuỳ thuộc vào phác đồ điều trị đặc thù cho từng trường hợp.

Tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị
Hóa trị là phương pháp đưa các loại hoá chất vào cơ thể nhằm tiêu diệt tế bào ung thư

Xạ trị là gì?

Xạ trị là phương pháp sử dụng nguồn năng lượng cao, thường là chùm tia phóng xạ ion hóa chứa các tia beta, gamma, proton, photon… để chiếu vào khối u ác tính nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư trong khối u.

Nhờ khả năng phá hủy ADN của tế bào ung thư, chùm tia xạ này làm cho chúng mất khả năng phân chia hoặc bị tiêu diệt, từ đó làm cho khối u ngừng phát triển. Bác sĩ sẽ dựa vào loại ung thư, giai đoạn bệnh, vị trí và kích thước của khối u cũng như thể trạng của người bệnh để xác định liều lượng xạ trị phù hợp. Lượng tia phóng xạ sẽ được dùng một cách chính xác tới vùng có khối u nhằm đảm bảo tiêu diệt tế bào ung thư và bảo tồn các mô cơ lành xung quanh.

Hóa trị và xạ trị là hai phương pháp điều trị ung thư có thể được sử dụng cùng nhau hoặc kết hợp với phẫu thuật để tăng cường hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ từ cả hóa trị và xạ trị.

Tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị là gì?

Dưới đây là những tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị mà người bệnh có thể gặp phải, cụ thể như sau:

Tác dụng phụ của hóa trị

Mặc dù các loại thuốc hóa trị có tác dụng chính là tiêu diệt tế bào ung thư, tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như:

  • Giảm số lượng tế bào máu ngoại biên như bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu… dẫn đến tình trạng thiếu máu sau mỗi đợt hóa trị và suy giảm sức đề kháng.
  • Buồn nôn và nôn là những tác dụng phụ thường gặp ở bệnh nhân sau hóa trị.
  • Mệt mỏi, cơ thể suy nhược, chán ăn hay giảm khả năng vận động cũng là hiện tượng phổ biến sau mỗi đợt hóa trị, đặc biệt là đối với những người đã từng xạ trị hoặc phẫu thuật loại bỏ khối u.
  • Rụng tóc và rụng lông trên cơ thể do các tế bào biểu bì và nang lông bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc hóa trị.
  • Viêm niêm mạc miệng là một tác dụng phụ khá phổ biến của hóa trị, đặc biệt là khi kết hợp giữa hóa trị và xạ trị.
  • Tác dụng độc tính thần kinh ngoại biên và tim có thể làm bệnh nhân có cảm giác tê, châm chích hoặc mất cảm giác ở các đầu chi và gây hại cho tim, đặc biệt là những người bệnh có tiền sử bệnh lý tim mạch.
Tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị
Hóa trị có thể gây hại cho sức khỏe tim mạch

Tác dụng phụ của xạ trị

Một số hiện tượng phụ của xạ trị mà bệnh nhân có thể gặp trong quá trình điều trị:

  • Mệt mỏi:

Sau thời gian xạ trị, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi do tác động của các tia phóng xạ đến cả tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư. Độ mệt mỏi có thể gia tăng khi liệu trình điều trị kéo dài, dẫn đến suy sụp tinh thần.

  • Rụng tóc:

Như hóa trị, bệnh nhân sau xạ trị có thể gặp tình trạng rụng tóc và móng do tia xạ tác động lên các tế bào sừng. Tình trạng này thường xuất hiện sau 2 – 3 tuần từ khi tiến hành đợt xạ trị đầu tiên.

  • Vấn đề về da:

Người bệnh có thể gặp các triệu chứng về da như ngứa, khô, phát ban, phồng rộp, nứt nẻ sau 3 – 4 tuần sau xạ trị. Nếu thời gian xạ trị kéo dài, vấn đề về da có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

  • Tổn thương niêm mạc miệng và họng:

Xạ trị có thể gây tổn thương cho niêm mạc miệng, họng, tuyến nước bọt và nhú vị giác. Tình trạng này có thể hồi phục sau 4 – 8 tuần kể từ khi ngừng xạ trị.

  • Vấn đề về hệ tiêu hóa:

Bệnh nhân có thể gặp vấn đề về hệ tiêu hóa như buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy sau khi tiến hành xạ trị.

  • Tác động đối với phổi:

Sau khi xạ trị vùng ngực, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ liên quan đến phổi như ho, thở ngắn và có nguy cơ xơ hóa phổi.

  • Tác động đối với não:

Tia phóng xạ có thể ảnh hưởng đến chức năng của não, dẫn đến suy giảm khả năng nhận thức, mất trí nhớ và giảm ham muốn tình dục. Bệnh nhân xạ trị vùng não cũng có thể gặp các triệu chứng khác như buồn nôn, suy giảm thị giác và giảm thăng bằng.

Tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị
Xạ trị có thể tác động xấu tới chức năng của não bộ

Tác dụng phụ ở cơ quan sinh dục

Đối với nữ giới, khi xạ trị cả 2 buồng trứng có thể gây ra hiện tượng mãn kinh sớm và mất khả năng sinh sản vĩnh viễn. Nếu xạ trị tại vùng chậu, âm đạo của người bệnh có thể trở nên nhạy cảm hơn, phải đối mặt với viêm nhiễm kéo dài hoặc chảy máu âm đạo trong quá trình quan hệ.

Ở nam giới, tinh hoàn có thể mất đi khả năng sản xuất tinh trùng vĩnh viễn sau tiếp xúc với phóng xạ. Ngoài ra, dây thần kinh và động mạch của dương vật cũng có thể bị tổn thương do tia xạ, gây ra tình trạng rối loạn cương dương.

Tóm lại, hoá trị và xạ trị là hai phương pháp được sử dụng trong điều trị bệnh ung thư. Ngoài khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, cả hai phương pháp này đều gây ra một số tác dụng phụ trên cơ thể của người bệnh. Hy vọng những thông tin được cung cấp trong bài viết đã giúp quý độc giả hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ của hoá trị và xạ trị.

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để được tư vấn cụ thể và chính xác, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế. Họ sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chính xác và phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *